Nội soi dạ dày-đại tràng thường và có tiền mê

Hiện nay tần suất mắc các bệnh đường tiêu hóa ngày càng tăng, thậm chí cả ung thư dạ dày, đại tràng. Theo số liệu toàn cầu năm 2020, Ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp. Tại Việt Nam, Ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư gan, phổi vú với gần 18.000 trường hợp mỗi năm, ung thư đại tràng đứng thứ 5 với gần 15.000 trường hợp.

Tuy nhiên, kể cả khi đã có các triệu chứng như thường xuyên đau bụng, ợ hơi, buồn nôn, đại tiện ra máu…, nhiều người vẫn chần chừ, không muốn đi khám và nội soi vì tâm lý e sợ. Trong suy nghĩ của họ, nội soi dạ dày, đại tràng là thủ thuật gây đau đớn, khó chịu, chỉ được chỉ định khi không còn cách chẩn đoán nào khác.

Thế nhưng, trên thực tế, nội soi dạ dày không hề đáng sợ. Trái lại, nó là phương pháp vừa an toàn, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm để chẩn đoán các vấn đề tiêu hóa bất thường. Việc hiểu rõ về phương pháp này sẽ giúp người bệnh thoải mái, loại bỏ sự lo ngại khi được chỉ định nội soi, đồng thời chủ động hơn trong quá trình tầm soát sức khỏe đường tiêu hóa.

1. Nội soi dạ dày, đại tràng là gì?

Nội soi dạ dày, đại tràng là thủ thuật đưa ống soi mềm vào bên trong đường tiêu hóa nhằm kiểm tra, quan sát thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng. Đây là thủ thuật an toàn và đem lại hiệu quả cao trong việc phát hiện, nhận định các tổn thương của đường tiêu hóa. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori trong dạ dày, cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong những phần bị hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản…

          

Hình 1: Mô phỏng nội soi dạ dày              Hình 2: Mô phỏng cắt polyp đại tràng

2. Khi nào nên tiến hành nội soi?

Để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh liên quan đến dạ dày và hệ tiêu hóa, bệnh nhân cần tiến hành nội soi khi xuất hiện những biểu hiện sau:

Thường xuyên có những biểu hiện liên quan đến dạ dày gây cảm giác khó chịu như: buồn nôn và nôn, ợ hơi, ợ chua, xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu,…

Có những triệu chứng bất thường liên quan đến dạ dày như thủng loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,…

Xuất hiện các khối u ở dạ dày hay nghi ngờ về tình trạng ung thư dạ dày, xét nghiệm marker ung thư tăng

Có nhu cầu thăm khám định kỳ bằng phương pháp nội soi dạ dày để kiểm soát tình trạng sức khỏe.

Hình 3: Máy nội soi tầm soát ung thư sớm OLYMPUS CV190

     3.Ưu điểm nội soi gây mê

Cảm giác khó chịu trong quá trình nội soi chính là yếu tổ cản trở chính làm cho bệnh nhân không muốn nội soi mặc dù đã có nhiều triệu chứng của bệnh, làm cho việc phát hiện bệnh bị muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn, thậm chí quá muộn để điều trị.

Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, đại tràng gây mê không đau là phương pháp đưa ống soi vào cơ thể khi người bệnh đang được gây mê nhằm chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Việc gây mê được thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng 5 – 15 phút, người bệnh sau khi soi xong sẽ tỉnh lại nhanh chóng và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Ưu điểm: Nhờ gây mê mà quá trình nội soi được thực hiện dễ dàng hơn, người bệnh không có cảm giác khó chịu, buồn nôn, nôn… Bệnh nhân cũng không cảm thấy sợ hãi, ám ảnh sau nội soi và nhất là không cử động mạnh, giật ống nội soi gây tổn thương ống tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình nội soi phát hiện các vấn đề cần can thiệp, bác sĩ cũng sẽ có thể thực hiện các thủ thuật như lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu, tiêm xơ, nong hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản… thuận lợi và an toàn hơn.

Nhược điểm: Nội soi gây mê tốn kém hơn và đòi hỏi cao về trình độ, tay nghề bác sĩ, phương tiện theo dõi. Trước khi nội soi, người bệnh có thể phải đo điện tim đồ và thực hiện một số xét nghiệm khác. Ngoài ra, dù lượng thuốc mê ít, thời gian gây mê ngắn nhưng một số người sau khi tỉnh vẫn có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ và có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khác của thuốc mê.

Hình 4: Dụng cụ nội soi, kiểm tra vi khuẩn H.Pylori luôn được vô khuẩn, đóng riêng cho từng bệnh nhân

4. Nội soi gây mê cần lưu ý những gì

Chuẩn bị trước khi tiến hành nội soi

Khi tiến hành phương pháp nội soi gây mê, bệnh nhân cần tuân thủ những quy tắc sau:

Bệnh nhân nội soi dạ dày phải nhịn ăn 6 tiếng và nhịn uống nước 2 tiếng trước khi tiến hành thực hiện.

Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích và đồ uống có màu trước khi nội soi vài ngày.

Nên làm sạch ruột trước khi tiến hành nội soi đối với bệnh nhân nội soi đại tràng.

Bệnh nhân có kèm theo bệnh lý khác như: tim mạch, phổi, gan,… cần tiến hành thực hiện những xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng bệnh trước khi nội soi.

Một số lưu ý khác

Nội soi gây mê là phương pháp an toàn, tuy nhiên cần lưu ý rằng, một số đối tượng được khuyến cáo không nên tiến hành kỹ thuật này, trừ trường hợp khẩn cấp:

Người trên 80 tuổi và có các bệnh nền nguy hiểm dẫn đến suy kiệt nặng.

Đối tượng đang bị sốc, xuất hiện tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn và thiếu máu nghiêm trọng.

Người đang mang thai không nên thực hiện phương pháp nội soi gây mê.

Bệnh nhân là đối tượng dưới 10 tuổi.

Sau khi nội soi gây mê bệnh nhân sẽ được đưa ra vị trí hồi tỉnh và nghỉ ngơi trong 30 phút.

  

Hình 5: Thắt tĩnh mạch thực quản                      Hình 6: Một ổ loét lớn ở tá tràng có ứ đọng thức ăn               Hình 7: Ung thư đại tràng

bằng vòng cao su

5. Nội soi gây mê có nguy hiểm hoặc ảnh hưởng gì không?

Nội soi dạ dày, đại tràng gây mê là phương pháp an toàn và ít xảy ra tai biến. Nhờ gây mê mà người bệnh tránh được tình trạng buồn nôn, khó chịu trong quá trình nội soi, giảm nguy cơ va chạm mạnh gây chảy máu, thủng, rách hoặc nhiễm trùng cơ quan đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, do tác dụng của thuốc gây mê, người bệnh có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ sau nội soi. Rất hiếm trường hợp người bệnh gặp phải tình trạng dị ứng thuốc mê hoặc các phản ứng phụ nghiêm trọng như tụt huyết áp, suy hô hấp, loạn nhịp tim…

Quy trình nội soi tiền mê

  • Trước khi tiền mê: Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ tình trạng bệnh nhân như tiền sử, bệnh sử các bệnh lý liên quan có thể ảnh hưởng đến nguy cơ khi tiến hành kỹ thuật. Bệnh nhân sẽ cần nhịn ăn và chỉ uống nước lọc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong khi tiền mê: Bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc an thần cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch. Sau đó, quan sát trạng thái bệnh nhân và tiến hành nội soi.
  • Sau khi tiền mê: Bệnh nhân được chăm sóc theo dõi tại phòng hồi tỉnh. Bác sĩ sẽ đánh giá các chức năng ý thức, hô hấp, tim mạch, vận động, cảm giác đau hay khó chịu của người bệnh trước khi xuất viện.

Một số lưu ý sau nội soi tiền mê

  • Sau khi nội soi Thực quản – Dạ dày – Tá tràng, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đôi khi có cảm giác đau họng, đầy bụng chút ít thường sau khoảng 30 phút sẽ hết hoàn toàn các cảm giác khó chịu.
  • Bệnh nhân cần được theo dõi tiếp khoảng 30 phút đến 1 giờ sau tiền mê. Không nên tự điều khiển xe và vận hành máy móc trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau tiền mê.
  • Nếu bệnh nhân thực hiện nội soi đại tràng, sau nội soi sẽ thường có cảm giác chướng hơi hay mót rặn, đau bụng nhưng rất ít. Đây là triệu chứng bình thường, cảm giác này sẽ nhanh chóng mất đi khi trung tiện và đi vệ sinh.
  • Sau nội soi, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc vận động nhiều; cần ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa; uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ để tránh táo bón.

Các câu hỏi thường gặp về nội soi không đau

a. Nội soi không đau có hiệu quả hơn nội soi thường không?

Có. Nội soi không đau hiệu quả hơn nội soi thường.

Trong nội soi thông thường, các phản ứng của bệnh nhân như buồn nôn, cựa quậy, giãy dụa có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình kiểm tra đường tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, vì bệnh nhân phản ứng quá dữ dội, bác sĩ phải chấm dứt sớm quá trình nội soi, có thể bỏ sót một số tổn thương nhỏ. Nội soi không đau hoàn toàn khắc phục được tình trạng này.

b. Cảm giác khi nội soi không đau như thế nào?

Bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình nội soi vì vậy sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì. Nhiều người sau khi tỉnh lại miêu tả quá trình nội soi giống như chỉ ngủ một giấc ngủ ngắn.

c. Nội soi gây mê có an toàn không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

So với nội soi thường, nội soi không đau an toàn hơn nhờ giảm các phản ứng sợ hãi, giãy giụa của bệnh nhân.

Thuốc gây mê/ an thần sử dụng trong nội soi là thuốc gây mê trong thời gian ngắn với liều lượng nhẹ, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết mọi người sẽ không gặp phản ứng bất lợi gì sau khi sử dụng, chỉ cảm thấy buồn ngủ sau đó. Buồn ngủ có thể kéo dài cả ngày, do đó không nên tự lái xe, điều khiển máy móc hay ký giấy tờ quan trọng. Một số người sau khi sử dụng thuốc có thể bị đau đầu hoặc cảm thấy buồn nôn.

Một số hiếm người có thể bị phản ứng với thuốc gây mê. Quan trọng là cần báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê. Nếu bạn bị sốc, bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý ngay lập tức.


Cần thận trọng khi chỉ định nội soi ở phụ nữ mang thai

d. Đang mang thai có nội soi gây mê được không?

Ngoài các trường hợp nghiêm trọng, trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ đang mang thai không nên nội soi, kể cả nội soi thường và nội soi gây mê.

Mặc dù nội soi tiêu hóa không đau an toàn, nhưng ở phụ nữ mang thai vẫn có một số nguy cơ nhất định như nguy cơ gây hạ huyết áp cho mẹ, gây thiếu oxy cho mẹ và thai nhi. Lựa chọn tốt nhất là hoãn nội soi cho đến tam cá nguyệt thứ hai hoặc sau khi sinh.

Trong các trường hợp bắt buộc điều trị như xuất huyết nặng, chứng khó nuốt, nghi ngờ ung thư, tiêu chảy nặng, nôn nặng… thì nội soi đường tiêu hóa vẫn là một phương pháp an toàn hơn so với chụp X-quang hay phẫu thuật. Nội soi ở phụ nữ mang thai nên sử dụng liều thuốc an thần thấp nhất với thời gian thủ tục ngắn.

Nói chung, chỉ định nội soi ở phụ nữ mang thai sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Bạn chỉ nên đi khám và thực hiện nội soi ở những cơ sở y tế chất lượng.

e. Lớn tuổi có nội soi gây mê được không?

Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng hơn. Bên cạnh các bệnh ác tính thì người lớn tuổi thường có xu hướng mắc các bệnh lành tính như viêm loét dạ dày – tá tràng.

Gọi điện thoại
0988.686.036
Chat Zalo