Đo lưu huyết não: Những điều cần biết

Máy đo lưu huyết não đã có lịch sử xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 do nhà khoa học Schulter chế tạo. Ban đầu tuy còn nhiều thiếu sót nhưng sau một thời gian dài cải tiến, phương pháp này đã phổ biến rộng rãi và trở thành công cụ đắc lực dùng để đánh giá trạng thái tuần hoàn não.

1. Lịch sử hình thành

Năm 1921, nhà khoa học Schulter là người đầu tiên chế tạo ra máy đo lưu huyết não, sau đó Meyer Grant và một số tác giả khác đã nghiên cứu sử dụng phương pháp này, nhưng do kỹ thuật chưa hoàn chỉnh nên đã gây tai biến trong quá trình ghi. Do vậy phương pháp này đã bị bỏ qua trong một khoảng thời gian dài.

Đến năm 1937, nhà khoa học Granoller đã cải tiến và sử dụng lại phương pháp trên để nghiên cứu và thay đổi điện trở não ở những bệnh nhân chấn thương sọ não.

Năm 1940, Nyboor và cộng sự đã dùng máy ghi lưu huyết não để nghiên cứu khối lượng máu lưu hành ở tim, nối tiếp việc nghiên cứu trên nhiều tác giả đã áp dụng để nghiên cứu sự thay đổi tuần hoàn máu ở các cơ quan khác.

Năm 1950, Polzer và Shufried đã nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh về kỹ thuật ghi lưu huyết não và nghiên cứu sâu sắc về tuần hoàn não. Từ đó đến nay, phương pháp ghi lưu huyết não đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, nó đã trở thành phương pháp cận lâm sàng có giá trị cao dùng để đánh giá trạng thái tuần hoàn não.

2. Những khái niệm cơ bản

Mô cơ thể con người có tính dẫn điện và cũng như các vật dẫn điện khác nó có trở kháng (hay còn gọi là điện trở). Tại thời điểm ghi thì điện trở của mô thay đổi chỉ phụ thuộc vào dòng máu qua mô vì các yếu tố khác là hằng số cố định. Chính vì thế theo dõi điện trở của mô giúp ta đánh giá được lưu lượng tuần hoàn qua mô đó.

Sọ não của người là một cấu trúc bao gồm nhiều thành phần, trong đó tuần hoàn của da, cơ, xương sọ dưới mỗi điện cực cũng được ghi lại trên đường biểu diễn. Do đó, sự thay đổi điện trở của não ghi được thể hiện cả tuần hoàn của máu khi đi qua da đầu, tổ chức dưới da và xương sọ, nhưng lưu lượng tuần hoàn này không đáng kể so với lưu lượng tuần hoàn qua não. Khi lưu lượng máu qua não nhiều thì điện trở của não giảm đi lúc này cường độ dòng điện tăng lên và ngược lại.

Thao tác ghi lại đường biểu diễn sự biến thiên điện trở của mạch máu não khi cho dòng điện xoay chiều tần có số cao 30KHz và cường độ yếu 1mA chạy qua được gọi là lưu huyết não đồ. Dựa vào đường ghi lưu huyết não ở trên để đánh giá huyết động của não và những biến đổi chức năng của tuần hoàn não.

3. Mục đích của việc đo huyết lưu não

Ghi lại lưu huyết não đồ giúp bác sĩ đánh giá được huyết động của não và trạng thái thay đổi chức năng của mạch máu não. Trong đó huyết động được định nghĩa là lưu lượng tuần hoàn qua bán cầu não, tốc độ và cường độ của dòng máu lên não. Còn trạng thái chức năng mạch máu não nghĩa là tình trạng trương lực mạch.

4. Ưu và nhược điểm của đo huyết lưu não

4.1. Ưu điểm của phương pháp

Đo lưu huyết não là phương pháp thăm dò tuần hoàn não không xâm nhập nên rất an toàn và không gây nguy hại cho bệnh nhân. Phương pháp này có thể ghi nhiều lần, trong thời gian dài để theo dõi tác dụng khi điều trị hoặc phục vụ trong nghiên cứu.

Có thể tiến hành đo lưu huyết não trong các trạng thái bệnh lý nặng như: hôn mê, sốt cao, tăng áp lực sọ và ngay cả trường hợp đang tiến hành phẫu thuật.

Khi ghi lưu huyết não có thể làm nhiều nghiệm pháp sinh lý như thay đổi tư thế nằm – đứng, đứng – nằm, quay đầu, ngửa cổ, đè ép động mạch cảnh, theo dõi tác dụng của các loại thuốc trên đồ thị đường ghi lưu huyết não.

4.2. Nhược điểm của phương pháp

Không phải lúc nào các thông số lưu huyết não đo được như biên độ của đường cong cũng phản ánh đầy đủ về tình trạng lưu lượng tuần hoàn của não bộ. Bởi nó còn phụ thuộc vào một số yếu tố như nhịp tim, độ nhớt của máu, huyết áp, áp lực nội sọ, sử dụng các thuốc vận mạch,…

Trong quá trình đo lưu huyết não người bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như tiếng ồn, lưu lượng người vào ra, thậm chí cả nhiệt độ môi trường.

Sai số do kỹ thuật đo: Kết quả giữa hai lần đo có thể sai khác lớn nếu vị trí điện cực đặt không giống nhau, băng cố định không đủ chặt, bôi gen dẫn điện không đủ, người bệnh nằm nhiều ít vận động,… Đây là biểu hiện bình thường và bác sĩ cần xem xét lại những vấn đề trên để khoảng sai số nằm trong phạm vi cho phép.

5. Nguyên lý được sử dụng trong ghi lưu huyết não

5.1 Điện trở Wheatstone (REG 1)

Trong mỗi cầu Wheastone chỉ có một ngành điện trở chưa biết và giá trị đó chính là điện trở của não. Thông qua hệ thống khuếch đại ta thu được dòng điện thay đổi tương ứng. Dòng điện xoay chiều được đưa vào để ghi là dòng điện cao tần với tần số 20-150khz.

5.2 Nguyên tắc ghi lưu huyết não 2 (REG 2)

Nguyên lý ghi lưu huyết não 2 sử dụng kĩ thuật của Rodler và Lechner mà không sử dụng cầu Wheatstone. Nguyên tắc của phương pháp này là sử dụng 4 điện cực, trong đó điện cực dòng điện ra/vào là riêng biệt, nếu điện cực ra có thể đặt ở nhiều vị trí tùy ý thì điện cực cho dòng điện vào phải được đặt ở vị trí 2 thái dương. Phương pháp này được đánh giá tốt hơn so với cầu Wheatstone do có thể đánh giá được tuần hoàn não ở những vị trí nhỏ.

Theo lịch sử hình thành và phát triển phương pháp đo lưu huyết não dẫn trở nên hoàn thiện và được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá tuần hoàn não.

Gọi điện thoại
0988.686.036
Chat Zalo